Tọa đàm với chuyên đề “Khởi nhiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.
Trường THPT Thân Nhân Trung: Tọa đàm với chuyên đề “Khởi nhiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.
Được sự nhất trí của BGH trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang và Sở Giáo dục Đào tạo Bắc Giang, sáng 29/3/2021 tại Hội trường B5, trường THPT Thân Nhân Trung phối hợp với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm về chuyên đề: “Khởi nhiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.
Tới dự buổi tọa đàm, có Chuyên gia cao cấp GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng, Nhà báo Lại Duy Cường. Về phía Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang có TS. Mai Thị Huyền – Phó hiệu trưởng nhà trường. Về phía Trường THPT Thân Nhân Trung có TS. Diêm Đăng Huân – Hiệu trưởng nhà trường, Th.S Hoàng Thị Thúy – Phó Hiệu trưởng nhà trường, cùng toàn thể cán bộ giáo viên, học sinh Trường THPT Thân Nhân Trung.
Trong không khí vui tươi của những ngày tháng 3, học sinh trường THPT Thân Nhân Trung đã náo nức đến từ rất sớm, tập trung tại Hội trường để lắng nghe những lời truyền thụ của GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng.
Thầy trò nhà trường vui mừng đón chào Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
Mở đầu buổi tọa đàm, Giáo sư đã kể những câu chuyện về cuộc đời mình trong thời kỳ kháng chiến rồi đến chuyện tình cảm gia đình, đạo làm con… Dường như những chia sẻ của Giáo sư về chuyện đời, chuyện nghề, chuyện về đạo làm con đã chạm đúng tâm lý của các bạn trẻ đang tuổi mới lớn, nên suốt trong ba tiếng đồng hồ đã có biết bao cảm xúc của học trò được thể hiện. Nói về chuyện gia đình, Giáo sư kể: Tôi có hai người con đặt tên là Hiếu và Thảo với mong muốn cuộc đời mình sẽ được chúng đền đáp lại giống như tên gọi đó và may mắn cuộc đời đã cho tôi toại nguyện. Qua câu chuyện về gia đình, Giáo sư muốn truyền đến với các em thông điệp rằng: “Khi bậc sinh thành còn mạnh khoẻ đừng để cho nước mắt của họ phải trào rơi”. Vừa dứt câu chuyện, cả Hội trường như nín lặng trong mấy phút, đám học trò vừa xôn xao trước đó giờ không ai bảo ai ngồi lặng yên, như muốn dành ít phút để suy nghĩ về bản thân mình, liệu một ai trong số chúng đã từng làm bố mẹ phải buồn chưa, mười mấy năm trời bố mẹ nuôi dưỡng mình đã thực sự là người con hiếu thảo hay chưa.
Giáo Sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ tại buổi tọa đàm
Tiếp đến, Giáo sư kể về những câu chuyện đầy hấp dẫn của cuộc đời mình trong thời chiến rồi đến câu chuyện về học ngoại ngữ. Giáo sư đã nhấn mạnh về tầm quan trọng cũng như cách học ngoại ngữ. Một mẹo nhỏ được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng bật mí: “Các em cố gắng học và phải thuộc ít nhất 1.000 từ thì may ra các em mới có thể tự tin giao tiếp trong xã hội. Hơn nữa, các em phải xác định học cho mình, học để biết, chứ không phải học chỉ để đi thi, để đối phó với thầy cô và hiệu quả hơn hết là ngoài học ở trường thì phải tự học”. Qua câu chuyện về học ngoại ngữ của bản thân mình, Giáo sư đã nhắn gửi tới các em học sinh “Ngoại ngữ là chìa khóa để các em trở thành công dân toàn cầu”. Những lời chia sẻ đầy ý nghĩa của Giáo sư đã khiến cả Hội trường chăm chú dõi theo và đó cũng là hành trang để các em học sinh vững bước trong thời đại mới.
Để xua tan đi sự tĩnh lặng đó, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tiếp tục nói về cuộc cách mạng 4.0, Giáo sư không quên việc nêu khái quát và đầy đủ các thông tin, sự kiện, dẫn chứng cụ thể liên quan về các thành tựu của các cuộc cách mạng trước đó để các học sinh dễ hình dung. Đồng thời, Giáo sư cũng nhấn mạnh về ảnh hưởng của các cuộc cách mạng này trong tương lai. Cuộc cách mạng 4.0 vừa mở ra cơ hội lớn nhưng cũng mang đến nhiều thách thức cho thế hệ trẻ của Việt Nam khi nước ta đang ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng. Giáo sư chia sẻ: “Trong tương lai, khi robot thay thế công việc của con người ở một số ngành nghề, nhiều lao động ở lĩnh vực đó có thể đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Nếu các em không trang bị cho mình những hành trang, kỹ năng tiến bộ, đổi mới để phát triển bản thân thì rất có thể chính các em sẽ là nạn nhân của tình trạng này”.
Trong cuộc tọa đàm, Giáo sư cũng đưa ra vấn đề rất cần thiết với các em học sinh: Theo Giáo sư “Đại học không phải là con đường duy nhất để dẫn tới thành công”. Giáo sư nói: “Chính tôi cũng đã gặp và giúp đỡ rất nhiều nông dân trở thành tỷ phú nhưng trình độ của họ cũng không phải là đại học hay cao hơn”. Để minh chứng cho điều mình nói, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã đưa ra những tấm gương có thật về sự kiên trì, vượt qua số phận vươn lên trong cuộc sống để làm động lực cho các em có những ý tưởng khởi nghiệp táo bạo trong thời kỳ công nghiệp mới. Đó là câu chuyện về Nguyễn Ngọc Bảo Khanh hay Lê Thị Thắm vượt lên sự nghiệt ngã của số phận khi sinh ra không có đầy đủ hai tay như người thường, nhưng họ vẫn luôn phấn đấu để đạt đến thành công như: Viết được cuốn tự truyện bằng tiếng Anh (Nguyễn Ngọc Bảo Khanh), hay đạt giải nhất viết chữ đẹp toàn tỉnh Thanh Hóa bằng chân (Lê Thị Thắm). Nối tiếp câu chuyện của mình trong buổi tọa đàm, Giáo sư kể về cuộc đời của anh Trần Hồng Giang ở Nam Định tuy không may bị liệt cả tay chân nhưng vẫn nuôi ý chí vượt lên hoàn cảnh đã trở thành nhà biên tập sách và là nhà thơ rất nổi tiếng. Tiếp đến là tấm gương điển hình vượt khó, đó là anh Trịnh Xuân Mười ở Đắc Lắc. Từ một cậu bé sinh ra trong một gia đình bần nông, học hết lớp 6 anh đã nuôi trong mình ý chí làm giàu và hiện tại đã trở thành triệu phú. Những câu chuyện kể của Giáo sư khiến cả Hội trường nín lặng, dõi theo.
Buổi tọa đàm càng thêm thú vị hơn với phần tương tác giữa Giáo sư Nguyễn Lân Dũng với các em học sinh nhà trường. Các em học sinh mạnh dạn đặt rất nhiều câu hỏi về những băn khoăn lứa tuổi học đường, về những hành trang cần thiết của các bạn trẻ trước thời cơ và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến gần. Những băn khoăn này đã được thầy giải đáp và truyền thêm cảm hứng cho các em học sinh.
Em Lưu Thị Hồng Quế học sinh lớp 11A1 đưa ra câu hỏi: “Thưa Giáo sư, giữa việc em thích nhưng không giỏi và việc em giỏi nhưng không thích thì em nên chọn việc nào?” Đáp lại câu hỏi này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trả lời rằng: “ Em hãy chọn việc mình thích, khi mình thích mình sẽ đam mê và cố gắng cùng sự kiên trì thì sẽ đạt được thành công”.
Em Nguyễn Văn Đăng lớp 11A4 mạnh dạn đặt ra vấn đề liên quan đến việc chọn ngành nghề: “ Thưa Giáo sư, làm thế nào để giảm tỉ lệ chọn sai ngành nghề”? Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đánh giá đây là một câu hỏi khá thú vị. Giáo sư đã đưa ra lời khuyên: “Hãy chọn nghề mình thích, mình yêu, khi đó mình sẽ phát huy được sở trường của mình và sẽ thành công”. Trong lời khuyên của mình Giáo sư nhấn mạnh: “Không chọn nghề theo ý của cha mẹ mà cần xem bản thân mình thích nghề gì, có năng lực ở lĩnh vực nào thì hãy chọn”.
Còn em Đặng Quốc Việt lớp 10A2 lại đưa ra câu hỏi về việc nên đi du học trước hay học Đại học xong rồi mới đi du học? Giáo sư nhấn mạnh và đưa ra lời khuyên rất bổ ích: Theo GS nên học Đại học xong rồi mới đi du học. Bởi vì khi học xong Đại học các em không chỉ trưởng thành về nhận thức, về trí tuệ mà còn hình thành cho mình những kinh nghiệm thức tế hơn.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tặng sách cho các em học sinh nhà trường
Trước khi buổi tọa đàm kết thúc, TS.Diêm Đăng Huân – Hiệu trưởng trường THPT Thân Nhân Trung gửi lời cảm ơn đến GS Nguyễn Lân Dũng và Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm đầy ý nghĩa này. Thầy Hiệu trưởng cũng nhấn mạnh: Buổi tọa đàm hôm nay của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng không chỉ đem lại những bài học bổ ích cho cả thầy và trò nhà trường mà còn giúp các em học sinh của nhà trường được tiếp thu nhiều kiến thức sâu sắc, sống tình nghĩa và có trách nhiệm hơn với tương lai của chính mình. Đây sẽ là những hành trang có ý nghĩa để trang bị cho các em học sinh nhà trường trong quãng thời gian tiếp theo và mong Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục lan tỏa chương trình ý nghĩa này đến với nhiều trường học, chuẩn bị hành trang cho các em học sinh bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
TS.Diêm Đăng Huân – Hiệu trưởng trường THPT Thân Nhân Trung gửi lời cảm ơn
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam
Qua buổi tọa đàm, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã thắp lửa, gieo niềm đam mê và sự tự tin cho các em học sinh trường THPT Thân Nhân Trung. Những lời chia sẻ của Giáo sư sẽ là ngọn đuốc thắp sáng niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới. Đó là những hành trang để ươm mầm tài năng, chắp cánh ước mơ, định hướng tương lai cho các em học sinh bay cao, bay xa tới những chân trời mơ ước./.
CLB truyền thông Trường THPT Thân Nhân Trung